15 đường số 2, cư xá Lữ Gia, phường 15, Quận 11, TP.HCM
84838650921
vanphong@damsenpark.vn

Văn miếu Trấn Biên: địa điểm về nguồn của Đảng bộ Phuthotourist

Văn miếu Trấn Biên: địa điểm về nguồn của Đảng bộ Phuthotourist

Văn miếu Trấn Biên

Hôm 12/12/2018, Đảng bộ Công ty CP DVDL Phú Thọ vừa tổ chức chương trình “Tham quan về nguồn năm 2018”. Năm nay, Đảng bộ Phuthotourist tổ chức tham quan Văn miếu Trấn Biên TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Tham dự có gần 150 đảng viên của công ty.

Văn miếu Trấn Biên
Cổng vào văn miếu

Tìm hiểu lịch sử Văn miếu Trấn Biên

Trong bài: “Văn Miếu Trấn Biên Ðồng Nai, nơi phụng thờ hào khí phương nam” (báo Nhân Dân ngày 17/9/2010), viết như sau:

Theo sách “Ðại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, Văn Miếu Trấn Biên được xây dựng sớm nhất ở miền Nam. Trước các Văn Miếu ở Vĩnh Long, Gia Ðịnh và ở kinh đô Huế. (Chỉ sau Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Thăng Long – Hà Nội) hơn 700 năm). Bên cạnh thờ Khổng Tử, còn có các bậc vĩ nhân, danh nhân văn hóa, giáo dục của đất nước.

Văn miếu Trấn Biên
Các đồng chí Đảng viên Phuthotourist ai cũng háo hức khám phá di tích lịch sử này

Văn Miếu Trấn Biên được trùng tu năm 1794. Ðích thân chúa Nguyễn đến đây dâng lễ vào mùa xuân và mùa thu hằng năm. Từ năm 1802, vua nhà Nguyễn ủy nhiệm quan Tổng trấn thành Gia Ðịnh, quan tổng trấn Biên Hòa và quan đốc học đến hành lễ hằng năm thay nhà Vua. Thời đó, bên cạnh Văn Miếu là trường học của tỉnh Biên Hòa. Gắn liền với Văn Miếu là một nền giáo dục phát triển, sinh ra những danh nhân đất phương Nam. Trong đó có Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Ðức, Nguyễn Ðình Chiểu, Ngô Nhân Tịnh và Lê Quang Ðịnh.

Khi quân Pháp chiếm Biên Hòa năm 1861, chúng đã tàn phá hoàn toàn Văn Miếu Trấn Biên. Mục đích là dập tắt tinh thần yêu nước của người dân Nam Bộ. Văn Miếu đã bị hủy hoại sau 146 năm tồn tại.

Văn miếu Trấn Biên
Đoàn nghe thuyết minh bên trong gian nhà thờ chính

Gần đây, Văn Miếu Trấn Biên đã được xây dựng lại trên nền đất cũ. Nổi bật giữa vùng không gian thoáng đãng là những vòm mái cong, lợp ngói lưu ly mầu xanh ngọc bằng gốm tráng men. Những lầu bia uy nghi tráng lệ. Từ cổng vào lần lượt là nhà bia, Khuê Văn Các, hồ Tịnh Quang, cổng Tam quan. Nhà bia thứ hai và nhà thờ chính. Bia Tiến sĩ được khắc bằng đá xanh với dòng chữ lớn đầu tiên “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.

Nhà thờ chính xây dựng kiểu nhà ba gian hai chái, theo kiến trúc cổ. Nền lát gạch tàu, có bàn thờ Bác Hồ ở gian giữa. Trên tường có biểu tượng trống đồng tượng trưng cho nền văn hóa Việt Nam và Quốc Tổ Hùng Vương. Trong gian thờ này đặc biệt có trưng bày 18 kg đất và 18 lít nước mang về từ đền Hùng, biểu trưng cho 18 đời Vua Hùng, cội nguồn của dân tộc.

Trong Văn Miếu còn có các bàn thờ đức Khổng Tử, bàn thờ Quốc tổ và Lịch đại đế vương. Gian bên trái thờ các danh nhân Chu Văn An, Nguyễn Trãi và Lê Quý Ðôn. Gian bên phải thờ Võ Trường Toản, Ðặng Ðức Thuật, và ba vị được tôn xưng là “Gia Ðịnh tam kiệt”: Trịnh Hoài Ðức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Ðịnh. Phía trước hai bên nhà thờ chính còn có hai ngôi miếu. Miếu bên trái thờ Tiên sư, miếu bên phải thờ Tiền hiền – Hậu hiền.

Báo cáo chuyên đề

Bên cạnh việc tham quan, các Đảng viên còn được nghe báo cáo chuyên đề “Những vấn đề cơ bản về xây dựng Đảng hiện nay”. Người trình bày là Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, hiện là Phó Bí thư Đảng ủy – Trưởng Khoa Xây dựng Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh Học viện cán bộ TP.HCM.

Văn miếu Trấn Biên
Các đại biểu tập trung vào phòng họp để nghe báo cáo
Văn miếu Trấn Biên
Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng nói chuyện về công tác xây dựng Đảng

Tags: , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.